Đừng vội trông mặt mà bắt hình dong, loại táo này được ví như “kim cương đen” của ẩm thực thế giới đấy!
Ở những ngọn núi cao ngàn mét của Tây Tạng, thỉnh thoảng người ta nhìn thấy những cây táo hoang trông chả lấy gì làm hấp dẫn lắm: Thưa thớt quả, quả to trung bình, đã thế còn mang một màu đen tím đầy… nguy hiểm, gợi nhớ đến quả táo độc trong truyện cổ tích nàng Bạch Tuyết.
Trước khi được mệnh danh là “kim cương đen”, táo đen Tây Tạng từng là loại quả hoang ít người để ý.
Thế mà bẵng đi vài chục năm sau, loại táo này đã được mệnh danh “viên kim cương đen” của giới ẩm thực, gia nhập hàng ngũ những loại trái cây đắt xắt ra miếng với giá dao động từ 200.000 – 500.000 đồng.
Vì sao táo đen lại đắt đến thế?
Hương vị
Táo đen được ca ngợi là loại táo ngon ngọt nhất thế giới, với lượng đường glucose cao gấp đôi đến gấp ba loại táo xanh hoặc đỏ bình thường. Bên cạnh đó, thịt táo còn có độ giòn rất đặc trưng, để lâu cũng không bị mềm nhũn.
Song điểm đặc biệt nhất ở táo đen có lẽ là khả năng kháng sâu bệnh tự nhiên, Hay nói theo cách khác, người ta chẳng cần phải dùng thuốc trừ sâu cho loại táo này. Táo sinh trưởng tự nhiên, không dùng đến hóa chất ngừa bệnh hay thuốc thúc chín, nên hương vị càng ngọt lành tự nhiên, hấp dẫn hơn nữa.
Màu sắc “thời trang”
Tuy nhiên, dù có ngon thế nào, táo đen cũng phải chịu phận “flop” suốt mấy chục năm cho đến khi tiêu chuẩn thẩm mỹ của giới ẩm thực thay đổi. Trước đây, những món ăn rực rỡ bắt mắt mới được xem là đẹp, kéo theo sự ra đời của loạt trái cây bảy sắc cầu vồng. Thế nhưng với sự đổ bộ của loạt pasta đen, bánh ngọt than hoạt tính, v.v… từ năm 2017, giới mộ điệu ẩm thực đã chính thức tuyên bố: Màu mè xưa rồi, giờ phải đen mới… sang!
Có lẽ điều này đã góp phần đẩy mạnh nhu cầu sử dụng táo đen, biến nó từ một loại quả hoang “nhạt nhẽo” trở thanh viên kim cương đầy sang chảnh trong các hộp quà quý.
Táo màu đen bóng pha chút ánh tím, rất hợp với “gu” thẩm mỹ chuộng màu đen gần đây của giới ẩm thực cao cấp.
Sự quý hiếm
Không hề khó trồng, không hề mất quá nhiều công chăm sóc, nhưng ngặt một nỗi, táo đen chỉ trồng được đúng ở… Tây Tạng, mà cụ thể là thành phố Lâm Chi. Địa hình ở đây cách 3.500m so với mực nước biển, chênh lệch giữa ngày và đêm lớn, ánh nắng mặt trời chứa nhiều tia cực tím – ba yếu tố này kết hợp mới sinh ra được giống táo đen cực đặc trưng về màu sắc lẫn mùi vị. Dẫu hạt giống của táo đen đã được trồng ở nhiều nơi, nhưng không thu được kết quả như “bản gốc” tại Tây Tạng.
Bên cạnh đó, bạn sẽ phải chờ ít nhất vài ba năm để được ăn loại táo này. Nếu các cây táo bình thường sẽ trưởng thành trong vòng 2-3 năm và ra quả thường xuyên, thì táo kim cương đen cần tới…8 năm mới bắt đầu ra quả. Mỗi mùa vụ, người ta chỉ thu được 30% sản lượng táo đạt yêu cầu. Thành thử, táo kim cương đen dẫu đắt như tôm tươi nhưng chẳng người nông dân nào muốn trồng!
Với những hạn chế về mặt canh tác đó, số lượng táo kim cương đen vẫn rất ít ỏi, và vô hình trung biến nó ngày càng trở nên hiếm có khó tìm – và đương nhiên chỉ có đắt hơn chứ không đắt nhất – trên thị trường ẩm thực cao cấp!